Cây tre hiện đóng vai trò lớn đời sống kinh tế - xã hội người Việt Nam, là nguyên liệu “xanh” thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hoá học, góp phần phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là công cụ hấp thụ carbon, chống biến đổi khí hậu, cung cấp nhiều hơn khoảng 35% oxy và hấp thụ nhiều hơn 40% carbon dioxide so với loài cây khác. Đồng thời tre là sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lao động trong các làng nghề mây tre đan.
Tre được sử dụng rộng rãi trong xây dựng như cọc móng, giàn dáo, trần, mái nhà, vách ngăn, khung nhà,… Tre còn được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, nội thất như các loại bàn ghế giường tre, chiếu, mành tre, thúng, mủng, rổ, rá, ống hút, đến đũa ăn, tăm xỉa răng. Có thể thấy gỗ tre được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày.
Ngày nay cùng với các công nghệ mới chúng ta đã có thể dùng gỗ tre sản xuất giấy, ván ép,…Những sản phẩm từ tre giờ đây không chỉ phục vụ trong nội địa mà đã có thể xuất khẩu. Không chỉ có gỗ tre mang lại kinh tế mà măng của nhiều loài Tre là thực phẩm sạch, ăn ngon, bổ, và còn có tác dụng chữa bệnh. Hiện tại đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tre cũng như măng tre.
Không chỉ có giá trị về kinh tế mà cây tre còn gắn với nét đẹp của nông thôn Việt Nam qua hình ảnh “Lũy Tre Làng”. Rào luỹ bảo vệ dân làng và hoa màu, che gió bão, ngăn dòng chảy, chống xói mòn đất,…. Hình ảnh cây tre còn ăn sâu vào đời sống tâm hồn, văn hoá, nghệ thuật và truyền thuyết lịch sử giữ nước của các dân tộc Việt Nam.